Những ai đã từng tiếp xúc với cờ vây chắc hẳn đều có chung một cảm  nhận, đó là cờ vây là một trò chơi có sức biến hóa khôn lường.
Tiểu vũ trụ
Nhân vật Hikaru trong bộ manga nổi tiếng “Kì thủ cờ vây” đã nói: “Một bàn cờ là một vũ trụ và các quân cờ là những hành tinh”. Đó chính là một tiểu vũ trụ do 360 thiên thể hợp lại mà thành. Cấu trúc bàn cờ có 19 đường dọc và 19 đường ngang, tổng cộng có 361 giao điểm. Một điểm dư ở trung tâm được gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực, đại diện cho trung tâm của vũ trụ.
Con số 360 chính là số ngày trong một năm âm lịch. Cả bàn cờ chia làm bốn góc là xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ đen và trắng đại diện cho ngày và đêm, âm và dương. Xung quanh điểm Thiên Nguyên là 8 điểm sao, tượng trưng cho 8 vì tinh tú chỉ phương vị cùng 72 giao điểm dọc theo vòng chu vi. 8 điểm sao cũng tương ứng với 8 quẻ bát quái (càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn) với 72 loại thời tiết. Bàn cờ hình vuông bất động với các quân cờ hình tròn, phía trên nhô lên, phía dưới phẳng ngang liên tục chuyển động trên khắp bàn cờ, khiến bố cục ván cờ cũng liên tục thay đổi, liên tục xoay chuyển.
Một trận đấu trong cờ vây mở đầu bằng một khu đất rộng lớn hoang vu hoàn toàn trống không trên bàn cờ. Các quân cờ với hình dáng như nhau, quyền lực như nhau lần lượt thay phiên nhau tung hoành ngang dọc trên khắp bàn cờ. Liên tục xung đột lẫn nhau, liên tục đe dọa lẫn nhau tạo ra sức ép đè lên đối thủ. Chiến thắng đôi khi được tạo ra nhờ sự khống chế được hoàn toàn tinh thần của địch thủ. Có lẽ vì vậy mà cờ vây ngoài là một bộ môn trí tuệ, còn là bí quyết để rèn luyện tinh thần, tâm tính, đó chính là “đạo” trong “kỳ đạo”.

 

bongtoivaanhsangtrenbancovay
Triết lý và nghệ thuật sống
Giống như bắn cung, trà đạo hay cắm hoa, cờ vây cũng mang những triết lý, những nghệ thuật sống riêng được gọi chung là “đạo”. Đạo trong cờ vây là một khái niệm rất rộng và phức tạp có liên quan mật thiết đến Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Thậm chí còn xuất hiện trong nhiều khía cạnh, lĩnh cực khác nhau từ thời xa xưa như Dịch lý, Hà đồ cho đến các lĩnh vực trong thời hiện đại như kinh tế, tâm lý học và nhiều ngành khác.
Điều đầu tiên, cờ vây rèn luyện cho người chơi tinh thần “nhẫn đạo”. Những người quá mạo hiểm, muốn đánh nhanh thắng nhanh, sẽ mất khả năng phán đoán đối thủ cũng như bảo vệ cuộc tấn công sơ hở của mình. Quá rụt rè sẽ thua, nhưng tham vọng quá lớn cũng có thể đè chết ta từ khi nào không hay. Bởi trong cờ vây, nắm vững kĩ thuật là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Chiến thuật và chiến lược luôn luôn phải kết nối chặt chẽ với nhau. Luôn kiểm soát tốt trạng thái tinh thần, nhẫn lại quan sát mọi biến đổi trên bàn cờ bằng đôi mắt bao quát và sự tập trung cao độ về mặt tinh thần, bạn đã nắm được trong tay tinh thần của kẻ chiến thắng.
Bên cạnh nhẫn đạo, chơi cờ vây cũng rèn luyện cho người chơi một khả năng cảm nhận trực quan về con người rất sâu sắc. Khi đã đạt được đến một trình độ nhất định, một kỳ thủ có thể cảm nhận được con người của đối phương. Nhút nhát, tham lam, cố chấp, nhu nhược, hiếu thắng, nóng tính hay hiền hòa, tất cả đều được thể hiện qua ý đồ của từng nước đi. Có những khi cả hai thế cờ từ những thời khắc giao nhau đầu tiên, hai kỳ thủ đã có thể dần dần nhìn thấy rõ đối phương, cảm nhận, thấu hiểu, đồng cảm được lẫn nhau, khi những cảm xúc đó xuất hiện, tức là bạn đã tìm được tri kỷ của mình trên bàn cờ. Ai đó nếu đã từng đọc “thiếu nữ đánh cờ vây” của nhà văn Sơn Táp thì sẽ cảm nhận rõ được điều này. Một tình yêu vượt trên tất cả những ham muốn tầm thường, tất cả những điều phù phiếm, thấp hèn, hay lý tưởng hy sinh vì tổ quốc giữa hai con người từ hai thế giới không những xa lạ, mà còn đối nghịch nhau trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, cô gái Trung Quốc và anh lính người Nhật. Họ chẳng biết gì về nhau, không thông tin về địa chỉ, đến cái tên cũng không có, nhưng dường như không có bất cứ một điều gì mờ mịt khi họ cùng ngồi đối diện với nhau trên bàn cờ. Tuy nhiên, đến khi kết thúc của câu chuyên, họ vẫn không tên, vì vốn dĩ họ chỉ là những quân cờ bị cuộc đời điều khiển. Khi hai quân đen và trắng cố đứng cạnh nhau, thì kết cục cuối chắc chắn là sẽ bị đẩy ra khỏi bàn cờ.

Cờ vây cũng như cờ tướng, luôn là nơi để con người rèn luyện cả trí lực và tâm đạo. Đằng sau mỗi quân cờ nhỏ bé là những triết lý sâu xa về cuộc đời, khoa học và vũ trụ. Vì thế, cờ vây luôn là một bài toán khó mà mỗi người dù có dành cả đời để chiêm nghiệm thì cũng chưa chắc đã cảm nhận được hết cái hay của trò chơi độc đáo này.

Tags: , , , ,